Tin tức

Hơn 10 triệu người Việt Nam có nguy cơ ung thư gan 

Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với “đại dịch” này, vì có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan khá cao. 

Trong hai ngày 26 và 27.7, Hội nghị Gan mật toàn quốc lần thứ 9 đã diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hơn 300 đại biểu đến từ các bệnh viện, các trường đại học y khoa và nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế đã đến tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, TS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam nhấn mạnh theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), loại viêm gan virus hàng năm gây ra cái chết cho 1,4 triệu người, đồng thời có khoảng 500 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan do virus gây ra. 
Các chuyên gia ước tính trên thế giới có 240 triệu người nhiễm virus viêm gan B mãn tính và 150 triệu người bị nhiễm virus viêm gan C mãn tính.
WHO khẳng định bệnh nhân bị nhiễm mãn tính virus viêm gan rất nguy hiểm, song căn bệnh này chưa được công nhận là vấn đề y tế cộng đồng toàn cầu.
Ai Cập hiện là quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh gan cao nhất thế giới. Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với “đại dịch” này, vì có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan khá cao. Theo PGS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, ở Việt Nam ước tính có khoảng 10-15% dân số bị nhiễm virus viêm gan B, 4% nhiễm virus viêm gan C. Khoảng 11,5 triệu người Việt Nam mang virus viêm gan (tức có nguy cơ ung thư gan) và ước tính mỗi năm có hàng ngàn ca nhiễm mới (trích tin trên Vietnamplus tháng 3.2014).
Hội nghị Gan mật toàn quốc đã tham khảo hơn 30 đề tài nghiên cứu, liên quan đến biểu hiện và cách điều trị của các chứng tổn thương về gan, mật, nhất là các vấn đề nghiên cứu dự phòng điều trị viêm gan virus B và virus C, đẩy mạnh vấn đề ghép gan.
Đặc biệt, đề tài nghiên cứu “Phát hiện các đột biến kháng thuốc của virus viêm gan B từ các bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính ở miền Bắc Việt Nam” do nhóm chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Medlatec Hà Nội, đã đưa ra lời cảnh báo quan trọng.
Công trình này chọn 198 mẫu huyết thanh từ các bệnh nhân viêm gan mãn tính, đã có 82 trường hợp đột biến kháng thuốc.
Thông tin từ hội nghị cũng cho biết hiện Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan từ người cho sống và người cho chết não, kết quả này thể hiện rõ nét tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh viêm gan C được biết tới như một “căn bệnh thầm lặng”, bởi người nhiễm bệnh có thể khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bệnh trong vòng 10-20 năm. Viêm gan C có khả năng biến chứng thành xơ gan, phá hủy gan và thậm chí dẫn tới ung thư gan, đe dọa tới tính mạng người bệnh.
Có rất nhiều bệnh nhân không biết mình mắc bệnh cho đến khi phát hiện dấu hiệu bệnh vào nhiều năm sau, khi bệnh đã nặng, dẫn đến nguy cơ tử vong.
Theo Vietnamplus 



Các di tích tưởng niệm Hồ Chí Minh ở nước ngoài

Rất nhiều nơi trên thế giới từ châu Á, châu Âu đến châu Phi, châu Mỹ đã dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để tưởng nhớ vị danh nhân văn hóa của thế giới.
Dưới đây là những điểm dừng chân ý nghĩa ở nước ngoài trong ngày kỷ niệm 124 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trung Quốc
Nhà số 248 và 250 (trước là nhà số 13 và 13/1) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông là nơi những Đảng viên đầu tiên - lớp cán bộ cốt cán đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đào tạo.
Khu di tích Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, Quảng Tây gồm: hang núi giam giữ Hồ Chí Minh, nhà trọ Nam Dương là nơi ở sau khi Người được ra tù (1943-1944), khách sạn Lạc Quần là nơi hoạt động cách mạng của các nhà lãnh đạo Việt Nam, nhà số 1 Hồng Lầu là nơi ở khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai…
Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phố Nam, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây trưng bày và lưu giữ rất nhiều hình ảnh, tư liệu và hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ cách mạng Việt Nam trong thời gian 18 năm hoạt động tại đây. 
Văn phòng Bát lộ quân trên đường Trung Sơn Bắc, thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây là nơi Hồ Chí Minh thường đến đọc sách hoặc liên hệ công tác, hiện đang trưng bày ảnh và các hiện vật về nhà lãnh đạo của Việt Nam.
Thái Lan
Khu tuởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Bản Mạy, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom là nơi du khách và bà con Việt kiều tại Thái Lan thắp hương tưởng nhớ Bác trong những dịp lễ, Tết, đặc biệt là ngày sinh nhật và ngày giỗ của Bác cũng như tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Người, đặc biệt là quãng thời gian hoạt động tại Thái Lan năm 1928 – 1929.
DSC03087-3731-1400431048.jpg
Khách tham quan khu di tích Bác Hồ tại Thái Lan. Ảnh: nld
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Noọng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani - nơi Người đã ở và làm việc từ năm 1928 với tên gọi Thầu Chín.
Lào
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xiềng Vang, huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, được khánh thành và mở cửa đón khách tham quan nhân dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Người (19/5/2012).
Singapore
Bia tưởng niệm và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên Bảo tàng Văn minh châu Á, bên bờ sông Singapore. Bia tưởng niệm được khánh thành tháng 5/2008 nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 118 của Người và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore. Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là tượng đài đầu tiên trong chương trình tôn vinh “Những người bạn đến bờ biển chúng ta” của Singapore, khánh thành năm 2011.
Philippines
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trường Đại học Bách khoa Laguna, Manila khánh thành nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 120 của Người (19/5/2010).
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên ASEAN, Manila được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Philippines và Việt Nam (2011).
Ấn Độ
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại lộ Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh Sarani) tại thành phố Kolkata. 
Đại lộ Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh Marg) ở thủ đô New Delhi. Ngoài ra còn nhiều "Công viên Hồ Chí Minh", "Công viên Hòa bình Hồ Chí Minh" được đặt ở nhiều bang khác ở quốc gia Nam Á này.
Mông Cổ
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 1,07 m, đặt trên bệ cao 3,33m, ốp đá granít tại trường Trung học Hồ Chí Minh, số 14 thủ đô Ulanbato. Tại đây, ngoài bức tượng còn có nhiều tài liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Mông Cổ.
Nga
Moscow-tourdulichnga-8716-1400431048.jpg
Tượng đài Hồ Chí Minh tại Moscow. Ảnh: dulichnga
Quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh nằm ở nơi giao nhau giữa phố Dmitri Ulianov (anh trai nhà cách mạng V. I. Lenin) và phố “Sáu mươi năm Cách mạng Tháng Mười”, Moscow.
Đại lộ và tượng đài Hồ Chí Minh tại quận Zasviyazhski, thành phố Ulyanovsk, nằm bên bờ sông Volga, cách thủ đô Moscow khoảng 893 km về phía đông. 
Biển lưu niệm ghi dấu những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà ga thành phố cảng Vladivostok, được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Viện Hồ Chí Minh và bức tượng của Người được đặt trong khuôn viên trường Đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg, khánh thành nhân dịp 120 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/2010).
Pháp
Nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, thủ đô Paris là nơi Người ở và hoạt động cách mạng từ 1921-1923: Tham gia sáng lập "Hội liên hiệp thuộc địa",  thành lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ)...
"Không gian Hồ Chí Minh" tại bảo tàng Lịch sử sống ở thành phố Montreuil (cách Paris khoảng 15 km về phía Đông) là nơi lưu giữ những kỷ vật của Người trong thời kỳ sống tại Pháp. Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được dựng ngay trong khuôn viên bảo tàng.
Anh
Biển di tích gắn ở khách sạn Carleton, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thuê kiếm sống và hoạt động cuối năm 1913 (nay là trụ sở của Đại sứ quán New Zealand, trung tâm thủ đô London).
Madagasca
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trong công viên mang tên Người ở thủ đô Antananarivo, được làm bằng đồng đặt trên bệ đá hoa cương, với tổng chiều cao 3,4 m. Phía bên dưới có tấm biển đồng khắc câu nói nổi tiếng của Người: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Ngoài ra, tại Antananarivo cũng có đại lộ mang tên Hồ Chí Minh.
Cuba
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng tại công viên Hòa Bình cạnh đại lộ 26, một trong những công viên đẹp nhất ở trung tâm thủ đô La Havana, được khánh thành vào năm 2003, nhân dịp 113 năm sinh nhật của Người.
Venezuela
Tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng trên bệ đá cao 2 mét cùng một cột cờ có lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên đại lộ Simon Bolivar - một đại lộ lớn nhất nhì của thủ đô Caracas.
Mexico
Kienthuc-Mexico-city-6230-1400431049.jpg
Bức tượng được đúc dựa theo bức ảnh Bác đang ngồi làm việc tại khu vườn Phủ Chủ tịch của nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định chụp năm 1960. Ảnh: kienthuc
Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bộ bàn ghế mây giản dị, đằng sau phía trên là dòng chữ vàng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” bằng tiếng Tây Ban Nha với chữ ký của Người, đặt trong công viên “Tự do cho các dân tộc”, thủ đô Mexico.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Acapulco, thuộc bang Guerrereo (miền Nam Mexico) được đặt đối diện tượng đài người anh hùng dân tộc vĩ đại của châu Mỹ Latin Simon Bolivar, tại đại lộ Miguel Aleman, đại lộ chính và lớn nhất thành phố Acapulco.
Hồ Chí Minh còn là tên của một giảng đường tại Đại học UNAM (từng nằm trong top những đại học danh giá nhất trên thế giới), là tên của hệ thống trung tâm châm cứu chữa bệnh cho người nghèo tại thủ đô Mexico, thành phố Zacatecas và thành phố Monterrey.
........................................................................................................................

Công nhân TQ viết thư cảm ơn bác sĩ VN

Trước sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ và tình nguyện viên tại Hà Tĩnh, các công nhân Trung Quốc đã bày tỏ sự xúc động, viết thư cảm ơn khi ra viện.
"Chúng tôi những người Trung Quốc, mấy ngày nay được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền Hà Tĩnh, bệnh viện, công an và tình nguyện viên chăm sóc bảo vệ... Chúng tôi vô cùng cảm kích", những dòng thư được công nhân Trung Quốc trao lại cho lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh ngày 18/5.
"Chúng tôi mong hai nước đoàn kết, tạo quan hệ tốt, hữu nghị và tương trợ lẫn nhau, tạo môi trường ổn định trong khu vực và quốc tế", bức thư có đoạn.

Bức tâm thư được công nhân người Trung Quốc trao lại cho lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh để bày tỏ lòng biết ơn. Ảnh: D.Tuấn.
149 công nhân làm việc tại khu công nghiệp Formosa (Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập viện cách đây 5 ngày để điều trị chấn thương. Được các y bác sĩ, sinh viên tình nguyện chăm sóc điều trị chu đáo, đến hôm qua, tất cả người bị thương đã ổn định tinh thần, sức khỏe và xuất viện - ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc sở Y tế Hà Tĩnh cho biết.
Cuộc ẩu đả giữa 5.000 công nhân Việt Nam và 1.000 công nhân Trung Quốc tối 14/5 tại cổng chính nhà máy Formosa đã làm một người chết và 149 người khác phải điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh và Bệnh viện thành phố Hà Tĩnh. Nguyên nhân vụ xô xát bắt nguồn từ câu nói kích động của một phụ nữ lạ mặt rằng "có lao động Việt Nam bị đánh chết".

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo hai bệnh viện này huy động nhân lực cùng 100% trang thiết bị để cứu chữa người bị thương. Cùng với đó, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh đã tình nguyện đến chăm sóc cho các công nhân người Trung Quốc tại bệnh viện.
Nguồn VNExpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét