Tin giáo dục

Dạy học trên đỉnh mây mù

    Còn với các thầy cô giáo, đường đến lớp học ngoài tình yêu nghề nghiệp còn đòi hỏi phải có... sức bền để leo núi.
     Tờ mờ sáng. Trung tâm xã Mường Hoong tái buốt trong cái lạnh và hơi sương dày đặc. Thầy giáo Lê Văn Minh - giáo viên Trường tiểu học Mường Hoong (xã Mường Hoong, huyện Đắk Glei, Kon Tum), phụ trách dạy học tại điểm trường Tu Chiêu - thúc giục chúng tôi dậy sớm để kịp giờ lên với học sinh. Hỏi trường học của học sinh Xê Đăng ở hướng nào, thầy Minh chỉ tay về bốn bề đỉnh núi cao chót vót và bảo: “Ở tận trên đó, đi hướng nào cũng có cả”.

Vận động học sinh đi học, phải biết... uống rượu
Các thầy cô giáo ở điểm trường Tu Chiêu cho biết khó khăn nhất ở Tu Chiêu là việc vận động học sinh đến lớp. Những ngày làng tổ chức lễ cữ (kiêng), học sinh bỏ học nhiều ngày trời. Giáo viên đến vận động có lệ là phải uống rượu cho say với gia chủ thì họ mới đồng ý cho con đi học lại.
Ngoài ra, nhiều khi thầy cô giáo thiếu thức ăn, vào làng muốn mua được gà, vịt dân nuôi cũng phải uống rượu với gia chủ. “Nhiều thầy cô khi vào làng còn tỉnh, xách được gà vịt về đến nơi thì nằm say sõng soài” - thầy Minh kể.


    Nước mắt trên non

    Điểm trường Tu Chiêu nằm cách trung tâm xã khoảng hai giờ đi bộ. Để có thể lên được ngôi làng này, không có cách nào khác ngoài việc cõng bộ. Thầy Minh chạy xe máy đến một căn chòi mái lợp lá, vách thưng bằng ván gỗ để gửi xe lại, xắn quần chuẩn bị hành trình vượt núi bằng đôi chân. Thầy Minh cho biết căn chòi mà thầy gửi xe được người dân ngôi làng sát chân núi đóng tặng bởi trước đó hơn một tháng, bốn thầy cô giáo khi gửi xe ở một ngôi nhà hoang đã bị lửa bắt ra và cháy... Cuối tuần, khi các thầy cô giáo xuống núi thì thấy xe chỉ còn lại bộ khung. “Dân làng thương thầy cô lắm, thấy thầy cô khóc vì mất của họ cũng khóc theo. Rồi bảo tại cái xui xẻo, phải làm lễ cúng. Giáo viên toàn huyện phải góp người ít người nhiều chung tiền mua xe cho những đồng nghiệp gặp nạn” - thầy Minh nói.
      Đường lên điểm trường Tu Chiêu chúng tôi phải men qua những ngôi làng nằm dọc các thung lũng, giữa lưng chừng các dãy núi. Trước mỗi ngôi làng đều có các hình thù quái lạ, treo những cặp sọ thú rừng. Thầy Minh nhắc chúng tôi không được đi dưới những hình đầu lâu đó bởi đó là dấu hiệu làng đang có cữ (lễ kiêng).
      Hơn một giờ lội bộ, xương cốt rã rời nhưng trường vẫn mù mịt dưới đám sương dày đặc. Phía trước, những học sinh Xê Đăng ở các ngôi làng cũng rậm rịch đi học. Hành trang đến trường của các em này ngoài những chiếc áo sờn cũ, chiếc cặp rách bươm là những đôi chân sớm chai sạn vì leo núi. Em Y Hạnh - học sinh tại điểm trường Tu Chiêu - nói để đến lớp học em phải dậy từ lúc 5g sáng, trên núi mưa dầm lạnh căm Hạnh phải quấn vào người hai ba chiếc áo, xỏ đôi ủng được bố mẹ mua cho để lội bộ đến trường. Nhưng không phải học trò nào ở Tu Chiêu cũng có ủng đi rừng như Hạnh, nhiều học sinh trên đường đi chúng tôi bắt gặp phải giẫm trên mặt đất lởm chởm đá bằng bàn chân trần non nớt, quần áo rách bươm. “Các em ở đây là vậy đó, khổ cực, vất vả cũng quen rồi nên  thiếu thốn như thế là chuyện bình thường” - thầy Minh nói.
       Điểm trường Tu Chiêu có tổng cộng năm thầy cô giáo phụ trách từ lớp 1 đến lớp 5. Giữa giờ học, những học trò người Xê Đăng khuôn mặt ngờ nghệch đứng nhẩm từng chữ đọc theo lời giảng của cô giáo. Những lớp học trống trơn, gió thổi lồng lộng từ núi xuyên qua các tấm ván thưng tạm. Đứng trong lớp học, tiếng đánh vần của học sinh lớp bên này thỉnh thoảng lại bị chen ngang bởi tiếng giảng bài của lớp bên kia. Hai lớp học chỉ ngăn cách nhau bằng hai ba tấm ván mỏng, đứng bên này có thể quan sát hết lớp bên cạnh. Thỉnh thoảng cả thầy cô giáo lẫn học trò phải lấy sách vở che mặt lại vì gió thốc từ rừng thổi vào cuốn bụi từ nền đất lớp học bay mù mịt.

Khi tình yêu... không qua được đỉnh núi
       Kể về hành trình đến với trường, tất cả thầy cô giáo đều chia sẻ trong nỗi chạnh lòng: cũng vì học những trường “ít có tiếng” và là con em gia đình nghèo ở miền Trung, Quảng Nam... Ra trường bôn ba khắp nơi, có người phải đi làm thuê mấy năm trời rồi gặp cơ hội là cắp hồ sơ lên xin việc.
        “Mình nhớ như in cái năm 2009 lũ to nhất của Kon Tum, nghe huyện Đắk Glei thiếu tuyển 70 giáo viên nên đánh đường lên. Cứ nghĩ là địa hình giống miền Trung, nào ngờ lên đến nơi thì mưa gió tơi bời, đường sá bản làng bị vùi trong đất bùn. Vào đến xã thầy cô giáo mà nhìn ai cũng nghĩ dân đi tìm sâm” - cô giáo Lý Thị Ương nói.
      Cô Ương cho biết cô tốt nghiệp CĐSP Cao Bằng, ở lại quê nhà đi dạy hợp đồng một thời gian rồi nản nghề ôm balô vào miền Nam làm công nhân. Khi được một người bạn giới thiệu, cô nộp hồ sơ và được phân về dạy tại Tu Chiêu.
      Tương tự, các thầy cô giáo như Lê Văn Minh, Nguyễn Thị Mỹ Thuẩn, Nguyễn Thị Ngọ đều đến với học sinh Xê Đăng trong những câu chuyện buồn như thế. Cô Ngọ cho biết ngày vào Tu Chiêu đi dạy, thấy xa xôi mịt mùng quá, không biết ngày nào được trở về nên cô khóc miết. “Đợt đó em tính nghỉ việc về lại quê, nhưng đường từ Mường Hoong ra đến huyện cũng không thể đi nổi nên đành ở lại”. Cô Thuẩn nói vui vẻ: “Giờ bạn bè ở đây cả rồi, quen với các em hết rồi nên chẳng muốn về lại nữa, muốn ở đây thôi”.
     Trong điều kiện tách biệt như thế, nhiều thầy cô giáo cho biết có những thiệt thòi rất khó nói. Các thầy cô giáo đùa vui rằng ở điểm trường Tu Chiêu này cô Lý Thị Ương được xem là “hoa khôi”, nhưng bước qua tuổi 33 cô vẫn chưa một mảnh tình vắt vai. “Tụi nó chọc em là cao giá, nhưng ở trên này mù mịt quá, có lẽ nhiều anh dù yêu lắm nhưng tình yêu... không qua được đỉnh núi nên đành ở dưới xã. Giờ bạn bè em đứa nào cũng có chồng con đề huề cả rồi, nghĩ đến bản thân cũng thấy tủi tủi” - cô Ương nói.
     Cô giáo Thuẩn thì nói rằng để dạy học ở nơi heo hút này phải gửi con từ lúc mới 6 tháng tuổi cho ông bà ngoài Quảng Nam nuôi, cả hai vợ chồng đều công tác biền biệt vài tháng mới về thăm con được một lần. Hôm chúng tôi lên, cô giáo Ngọ và người đồng nghiệp trong điểm trường chuẩn bị làm lễ cưới. Nhìn hai người tíu tít với nhau trên điểm trường heo hút, các thầy cô giáo đều mừng thầm vì họ đã gặp được nhau nơi đặc biệt như thế.
Nguồn : tuoitre.vn
..................................................................................................................................................................

Những thay đổi quan trọng trong việc xét cấp visa đi Mỹ


         Từ ngày 22-2-2014 , Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM sẽ vận hành một hệ thống xét cấp thị thực (visa) mới, giúp cho người đăng ký visa không di dân và diện K1 (fiancé) được thuận lợi trong việc xếp lịch phỏng vấn, truy vấn thông tin về thủ tục đăng ký visa du học Mỹ… Thông tin trên trang web của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM cho biết, để xin visa không di dân sau ngày 22-2, công dân Việt Nam cần làm những việc sau đây:

- Vào trang web www.ustraveldocs.com in ra một giấy nộp tiền ngân hàng có những thông tin chi tiết về cá nhân; sau đó đem giấy báo này đến một chi nhánh Ngân hàng HSBC hoặc một điểm giao dịch của Bưu chính Việt Nam để nộp lệ phí visa (trước nay nộp trực tiếp ở chi nhánh ngân hàng Citibank).
- Điền vào bản khai DS-160 (bản khai đăng ký visa không di dân) trên mạng.
- Xếp lịch phỏng vấn du học Mỹ bằng cách đăng ký trực tuyến trên trang www.ustraveldocs.com hoặc gọi điện thoại đến trung tâm hỗ trợ (Call Center) sẽ mở ra từ ngày 22-2 (cho đến nay chưa có số của Call Center này).
- Đăng ký địa chỉ nhận lại hộ chiếu và visa. Nếu hồ sơ đăng ký visa được chấp nhận, hộ chiếu và visa sẽ được giao tới tận nhà mà không phải trả thêm chi phí. Một thay đổi quan trọng khác là Hoa Kỳ sẽ đưa vào vận hành các trung tâm hỗ trợ qua điện thoại (Call Center) từ ngày 22-2 để giúp người đăng ký visa xếp lịch phỏng vấn cũng như cung cấp thông tin về thủ tục đăng ký visa.

     Call Center hoạt động từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối giờ địa phương từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
Ở Việt Nam, Call Center có các nhân viên nói tiếng Việt và tiếng Anh, còn tại Hoa Kỳ có nhân viên nói tiếng Anh. Những người đã nộp lệ phí visa nhưng chưa phỏng vấn dù đã hay chưa xếp lịch hẹn, những người thuộc diện miễn lệ phí visa… thì không bị ảnh hưởng bởi hệ thống xét cấp visa mới này và cần xem trang web của Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ để biết thêm chi tiết.
     Ngoài ra, Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ vẫn tiếp tục việc gia hạn visa cho những công dân Việt Nam đã có visa; những người cần gia hạn visa du học Mỹ và đáp ứng tiêu chuẩn thì chỉ cần nộp hồ sơ qua đường bưu điện mà không cần phỏng vấn. Tại TPHCM, Tổng lãnh sự quán tiếp tục nhận hồ sơ gia hạn visa qua thùng thư trước cửa Tổng lãnh sự quán cho đến hết tháng 3-2014; từ ngày 1-4-2014 sẽ chỉ nhận hồ sơ qua đường bưu điện.
      “Những thay đổi này là một phần trong nỗ lực toàn cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhằm hợp lý hóa thủ tục xét cấp visa và cung cấp dịch vụ tốt hơn”, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM cho biết.
      Thị thực không di dân (nonimmigrant visa) dành cho những người đi du lịch, học tập, tiếp thị, dự hội nghị v.v…; còn thị thực K1 (fiancé/e) dành cho những người sang Mỹ theo vị hôn thê/vị hôn phu (đã đính hôn nhưng chưa kết hôn) là công dân Mỹ.
   Nguồn :Theo Thesaigontimes
........................................................................................................................................................

Tuyển sinh du học Trung Quốc


Căn cứ Thông báo của Ủy ban Quốc gia Quỹ học bổng Trung Quốc, Công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về Chương trình học bổng của Chính phủ Trung Quốc trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giáo dục Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2011-2015 và Thông tư số 01/2013/TT-BGDĐT ngày 29/01/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tuyển sinh du học Trung Quốc diện Hiệp định năm 2014 như sau:


  1. Số lượng học bổng và chế độ học bổng                


download 1
Tổng số có 33 học bổng toàn phần đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc  sĩ, đại học, trong đó có 06 học bổng ngành Hán ngữ.
       Thời gian đào tạo chuyên ngành (năm học): Tiến sĩ từ 3 đến 5 năm, thạc sĩ từ 2 đến 4 năm và đại học từ 4 đến 6 năm theo quy định của chương trình và cơ sở đào tạo cụ thể. Dự kiến ứng viên trúng tuyển sẽ lên đường đi học trong tháng 9/2014.
          Ứng viên trúng tuyển sẽ được Chính phủ Trung Quốc cấp học bổng, bảo hiểm y tế, miễn học phí, bố trí chỗ ở trong khuôn viên của cơ sở đào tạo và Chính phủ Việt Nam cấp vé máy bay một lượt đi và về, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa và cấp bù sinh hoạt phí hàng tháng theo chế độ hiện hành.
          2. Đối tượng và điều kiện dự tuyển
 Điều kiện chung
          - Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
          - Đủ sức khoẻ để học tập tại nước ngoài. Khi nhập học và định kỳ hàng năm phía Trung Quốc sẽ tổ chức khám lại sức khỏe. Trường hợp bị phát hiện có bệnh, không đủ sức khỏe do giả mạo hồ sơ để đi học sẽ phải về nước và tự chịu mọi chi phí liên quan, kể cả vé máy bay và bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước;
          - Ngành học đăng ký dự tuyển phải phù hợp với ngành đã/đang học đại học/sau đại học, công việc đang làm; Ứng viên không được tự ý thay đổi ngành học, cơ sở đào tạo đã đăng ký trong quá trình dự tuyển và sau khi trúng tuyển;
- Mỗi cơ quan đề cử tối đa 02 ứng viên;
- Ứng viên chỉ được đăng ký dự tuyển 01 chương trình (ngành) học và dự kiến chọn tối đa 03 cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục Trung Quốc cho phép tiếp nhận người nước ngoài đến học theo chương trình học bổng Chính phủ Trung Quốc cấp (xem danh sách gửi kèm theo để đăng ký nơi học và tham khảo website của trường để chọn ngành học phù hợp);
Nguồn : Bộ GD&ĐT




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét